Ân tình của bác Phiêu với người dân làng Rồng
VHO- Ngôi làng “hồi sinh” sau trận đại hồng thủy lịch sử năm 1999 đã được nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đặt tên làng Rồng với mong muốn người dân nơi đây đoàn kết, vực dậy để xây dựng cuộc sống mới sau những mất mát khó lòng bù lấp.
Ban thờ viếng cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tại Nhà sinh hoạt cộng đồng làng Rồng, thị trấn Thuận An
Ngày nghe tin bác Phiêu từ trần, người dân làng Rồng bùi ngùi với lòng thương tiếc vô hạn. Trong lòng họ, bác Phiêu là người “khai sinh” ra làng, là người đã tạo động lực để dân làng tiếp tục cuộc sống mới trong hơn hai thập kỷ qua.
“Khai sinh” làng Rồng
Những ngày qua, khuôn viên nhà sinh hoạt cộng đồng của làng Rồng (thôn An Hải, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) được người dân dọn dẹp, bày biện làm nơi dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Người dân làng Rồng vẫn quen gọi cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu bằng bác, trìu mến và ấm áp như những tình cảm mà ông đã dành cho cộng đồng dân cư nơi đây trong suốt hơn hai mươi năm qua. Công trình nhà sinh hoạt cộng đồng vẫn còn đó tấm bảng khắc do Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tặng làng Rồng.
Còn nhớ năm 1999, trận đại hồng thủy càn quét khắp miền Trung và Thừa Thiên Huế là địa phương hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề nhất. Những khu dân cư ở ven biển huyện Phú Vang lúc đó, đặc biệt là ở vùng thị trấn Thuận An và đoạn giáp ranh với xã Phú Thuận đã mở ra một cửa biển mới (cửa biển Hòa Duân), hơn 60 ngôi nhà bị đổ sập và chìm ngập trong nước, hàng chục người mất tích theo dòng nước dữ. Sau khi trận lũ đi qua, cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã chỉ đạo lực lượng Quân khu 4 tập trung tái thiết một ngôi làng mới cho người dân mất nhà. Ngôi làng ấy được bác Phiêu đặt tên là “Làng Rồng”, gửi gắm và mong muốn người dân đứng lên xây dựng lại cuộc đời sau những đau thương, mất mát.
Và từ đó, năm nào đi công tác vào miền Trung, đến tỉnh Thừa Thiên Huế, ông cũng dành chút thời gian ghé thăm, động viên bà con làng Rồng. Mỗi lần về làng, bác Phiêu rất giản dị, gần gũi, ân cần hỏi thăm sức khỏe của bà con, quan tâm đến đời sống của bà con và cả việc học hành của các cháu nhỏ trong làng. Gia đình anh Trần Văn Thu là nơi bác Lê Khả Phiêu thường ghé thăm và động viên. Anh Thu đã mất đi 12 người thân trong trận đại hồng thủy năm đó. Nghe tin bác Phiêu mất, anh Thu bùi ngùi, không cầm được nước mắt, bởi chính bác là người đã nhắc nhở anh, nhắc nhở người dân làng Rồng phải đứng dậy xây dựng lại cuộc đời. “Sau cơn lũ, bác Lê Khả Phiêu đã cho tôi cái nhà để ở, cho tôi nghị lực để đứng dậy sống tiếp. Nay bác mất, buồn quá. Giờ dân làng Rồng chỉ biết thắp nén hương tỏ lòng để tri ân bác nơi xa”, anh Thu buồn bã.
Bà Trần Thị Cúc, một người dân trong làng kể lại cứ mỗi dịp lễ, Tết, nếu không về thăm làng được thì bác Phiêu lại gửi quà tặng cho bà con nơi đây. Bây giờ, đời sống của bà con đã ổn định, khấm khá. Người dân luôn nhớ về bác như người “cha già” đã khai sinh chúng tôi lần nữa. Có thể từ Tết năm nay, bà con làng Rồng không còn nhận được quà của bác gửi vào nữa, nhưng với chúng tôi, món quà vô giá mà bác đã trao tặng chính là tình yêu thương, động viên khi cuộc đời mỗi người đang khốn khó.
Bác Lê Khả Phiêu trong một chuyến thăm và tặng quà cho bà con làng Rồng
Dâng nén tâm hương tưởng nhớ bác Phiêu
Làng Rồng bây giờ đường sá đã được bê tông, nhiều nhà 2 tầng, nhà kiên cố mọc lên, con em trong làng được học hành đến nơi đến chốn, có nhiều người đã học xong Đại học, Cao đẳng. Hiện làng có 64 hộ dân với gần 280 nhân khẩu. Người dân trong làng cùng đùm bọc, chung tay xây dựng cuộc sống, kết nối và “vẽ” nên một bức tranh cuộc sống mới tươi đẹp hơn như lời nhắc nhở, kỳ vọng của cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.
Ông Hoàng Văn Toàn có mặt tại Nhà sinh hoạt cộng đồng làng Rồng, công trình mà cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu dành tặng cho bà con khi ông “khai sinh” ra làng Rồng. Ông Toàn cùng nhiều người khác đến để dọn dẹp, sắp đặt bàn tủ để làm ban thờ tưởng vọng bác Phiêu. Ông Toàn cho biết, không riêng gì dịp lễ, Tết mà cứ mỗi mùa mưa bão cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu lại cho người hỏi thăm xem dân làng có sao không, có “ổn” không? Năm đó, ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng mà bác Phiêu tặng cũng nhằm mục đích để hỗ trợ người dân trong làng phòng trú ngụ khi có thiên tai, bão lụt. Chúng tôi vô cùng trân quý những tình cảm mà ông đã dành cho làng Rồng, chính vì thế khi nghe tin bác Phiêu mất, dân làng Rồng muốn đặt một ban thờ ở chính nhà sinh hoạt cộng đồng để mọi người được dâng nén hương tiễn đưa bác.
Tâm sự với Văn Hóa, ông Đào Quang Hưng, Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An nói, “biết ơn tình cảm của bác Phiêu người dân làng Rồng đã đề nghị với chính quyền được lập ban thờ điểm viếng, dâng hương tiễn đưa bác. Và mọi người đã thống nhất chọn nhà sinh hoạt cộng đồng để làm ban thờdâng hương viếng bác. Nguyện vọng của bà con làng Rồng đã được huyện Phú Vang ủng hộ và hỗ trợ chuẩn bị. Từ ngày 12.8, một số đoàn của các đơn vị trong huyện Phú Vang đã đến dâng hương. Dự kiến, lễ dâng hương viếng cố Tổng Bí thư tại làng Rồng sẽ diễn ra đến hết lễ Quốc tang để bà con và các đơn vị, cá nhân trên địa bàn đến viếng, dâng hương tiễn đưa bác”, ông Hưng thông tin.
SƠN THÙY